Tiếp nối thành công của Hội thảo Khoa học Quốc tế Resilience by Technology and Design lần thứ nhất (RTD 2022) với Chủ đề “Smart Living” đã nhận được sự quan tâm sâu sắc từ đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều chủ đề không chỉ mang giá trị khoa học mà còn mang tính thực tiễn và ứng dụng cao. Năm 2024, Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH-CTD) cùng với các trường đại học uy tín, danh tiếng đến từ nhiều quốc gia: Polytechnic University of Milan (Italy), University of Melbourne (Australia), Handong Global University (Korea), Kwangwoon University (Korea), Seoul National University (Korea), The University of Trieste (Italy), University of Saint Joseph (Macau), The University of Sydney (Australia), National Sun Yat-Sen University (Taiwan), National Yunlin University of Science and Technology (Taiwan), Singapore University of Technology and Design (Singapore); đồng thời phối hợp cùng với các đơn vị liên quan, gồm: Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JAIST), Viện Thông tin và Truyền thông Quốc gia Nhật Bản (NICT), đồng tổ chức Hội thảo lần thứ hai (RTD 2024) với chủ đề “Fostering Sustainability” từ 15 đến 18/7/2024.

Hội thảo RTD 2024 nhấn mạnh vai trò của công nghệ tiên tiến, phương pháp thiết kế đổi mới và phân tích dữ liệu toàn diện trong việc tạo ra các giải pháp phù hợp với các nguyên tắc về trách nhiệm môi trường, xã hội, và kinh tế hướng tới hành động bền vững và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho con người. Đặc biệt, Hội thảo RTD 2024 được tổ chức tại Phân hiệu Vĩnh Long vào ngày 17/7/2024 sẽ tập trung vào chủ đề nhánh “For a More Sustainable Mekong Delta”.

Hội thảo RTD 2024 tại Phân hiệu Vĩnh Long cũng nhằm mục tiêu tìm ra các giải pháp, công nghệ và chính sách phù hợp để thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT đến năm 2030, theo Quyết định 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/01/2021. Hội thảo cũng là một sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 05 năm thành lập Phân hiệu Vĩnh Long, là phân hiệu đầu tiên của UEH đặt tại vùng ĐBSCL.

Ngoài các báo cáo từ các học giả trong và ngoài nước, báo cáo từ các Sở, Ban, Ngành tại địa phương, sẽ diễn ra các phiên song song của Hội thảo RTD 2024 với chủ đề nhánh “For a More Sustainable Mekong Delta” và đây cũng là dịp để các nhà khoa học, những nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và nghiên cứu sinh có cơ hội chia sẻ, công bố các nghiên cứu của mình trên các ấn phẩm uy tín.

Các bài viết gửi đến Hội thảo, nếu được chọn và có tham gia trình bày tại Hội thảo thì sau khi Hội thảo kết thúc sẽ được Ban Tổ chức xem xét tuyển chọn một lần nữa và gửi nộp qua Hệ thống Nhà xuất bản Quốc tế Atlantis Press những bài đạt tiêu chuẩn. Nhà xuất bản sẽ đưa vào quy trình kiểm duyệt kỹ về chất lượng, sau khi có kết quả phản biện sẽ đề xuất lựa chọn những bài chất lượng tốt nhất để giới thiệu nộp sang các Tạp chí có thứ hạng cao trong các Danh mục Tạp chí uy tín thuộc Nhà xuất bản, và lựa chọn một số bài đạt chất lượng tiêu chuẩn để đăng Proceeding của Atlantis Press.

Ngoài ra, các tác giả có bài viết đạt tiêu chuẩn cũng có thể cân nhắc lựa chọn gửi sang các Tạp chí bảo trợ của Hội thảo RTD 2024 để được hỗ trợ fast-track review, gồm: Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (Journal of Asian Business and Economic Studies – JABES;  Scopus Q1); Tạp chí Australasian Marketing Journal (AMJ) và các Tạp chí khác sẽ được cập nhật tiếp tục trên Website chính của Hội thảo (http://rtdconference.info/).

Các bài báo gửi về Hội thảo RTD 2024 với Chủ đề nhánh “For a More Sustainable Mekong Delta” phải là nghiên cứu mới, chưa được xuất bản hoặc đang trong quá trình xuất bản ở những nơi khác. Các nghiên cứu nhằm đề xuất các ý tưởng và giải pháp đổi mới nhằm giải quyết các vấn đề đặc biệt vì một tương lai Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững hơn nữa thông qua sự tham gia, hợp tác và chuyển giao các ứng dụng, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh các chủ đề chính của Hội thảo RTD 2024, Hội thảo tại Phân hiệu Vĩnh Long bao gồm các chủ đề đã được đề cập trong nhánh chính của RTD 2024, một số điểm chủ đề mở rộng được đề cập ở dưới đây (nhưng không hạn chế):

– Chuyển đổi số trong nông nghiệp bền vững (ví dụ như: tăng năng suất cây trồng và hiệu quả sử dụng tài nguyên thông qua IoT, AI và phân tích dữ liệu…).

– Blockchain và Chuỗi cung ứng bền vững.

– Công nghệ số trong giáo dục bền vững.

Thông tin chi tiết về hội thảo vui lòng tham khảo tại http://rtdconference.info/

Đại học Kinh tế TPHCM – Khoa Thiết kế Truyền thông